Ngày 13/01/2020, Quốc hội ban hành Luật Cư trú có hiệu lực kể từ ngày 01/7/2021. Theo đó, Khoản 3, Điều 38 quy định: “Kể từ ngày Luật này có hiệu lực, sổ hộ khẩu, sổ tạm trú đã được cấp vẫn được sử dụng và có giá trị như giấy tờ, tài liệu xác nhận về cư trú theo quy định của Luật này cho đến hết ngày 31/12/2022”.

Vì thế từ ngày 01/01/2023, sổ hộ khẩu, sổ tạm trú đã hết giá trị sử dụng để chứng minh về nơi cư trú của công dân trên toàn lãnh thổ Việt Nam. Nhưng, việc “bỏ Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú giấy” không có nghĩa“bỏ quy định về việc chứng minh nơi cư trú của công dân” như nhiều người nhầm tưởng. Đây chỉ là quá trình chuyển đổi phương thức để chứng minh nơi cư trú của công dân từ hình thức “sổ giấy” sang hình thức “điện tử” hoặc “hình thức khác”. Các quy định hiện hành của pháp luật trong việc thực hiện các thủ tục hành chính, đặc biệt  liên quan đến cá nhân cũng như thực hiện các giao dịch dân sự, yêu cầu chứng minh về nơi cư trú hoặc quá trình cư trú là điều kiện tất yếu.

Trên thực tế, việc bỏ sổ hộ khẩu và sổ tạm trú giấy là xu thế tất yếu trong chuyển đổi số quốc gia, thay thế vào đó là cách thức quản lý mới trên điện tử, sẽ tạo ra nhiều tiện ích trong thực hiện các thủ tục hành chính, giao dịch dân sự, cũng như nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý cư trú. Tuy nhiên, đây là công việc khó, cần phải có các bước tiến hành và lộ trình cụ thể, rõ ràng và đồng bộ ở tất cả các ngành, lĩnh vực.

Trong khi đó, ở nước ta kể từ khi việc bỏ Sổ hộ khẩu giấy được đặt ra từ Luật Cư trú năm 2020 cho đến nay, nội dung chuyển đổi từ thẻ căn cước công dân, chứng minh thư nhân dân sang thẻ căn cước công dân gắn chip cũng như tăng cường sự phát triển của hệ thống dữ liệu về dân cư đã được triển khai thực hiện; thu về những kết quả khả quan song điều đó là chưa đủ để việc bỏ Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú giấy được thực hiện dễ dàng, thuận lợi theo đúng thời hạn mong đợi.

Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư tới thời điểm hiện nay chưa đầy đủ, chính xác; các máy móc, thiết bị phục vụ cho việc quét dữ liệu thông tin chưa được trang bị đầy đủ tại các cơ quan tiến hành thủ tục hành chính, các văn bản quy định thủ tục hành chính của các ngành, lĩnh vực có quy định điều kiện về Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú trước đây chưa được sửa đổi để đồng bộ với các quy định mới của Bộ công an về quản lý cư trú. Trong khi các cán bộ, công chức nhà nước khi thực hiện thủ tục hành chính cho người dân hay các đơn vị sự nghiệp cung cấp các dịch vụ như công chứng, ngân hàng vẫn phải tuân theo các Văn bản quy định chuyên ngành để đảm bảo không vi phạm các quy định pháp luật khác có liên quan. Do đó, để đảm bảo yêu cầu về thành phần hồ sơ, cơ quan thực hiện vẫn buộc phải đề nghị công dân cung cấp Bản Xác nhận thông tin cư trú “giấy”, đặc biệt là đối với các thủ tục có liên quan đến quá trình cư trú của công dân, điều này là phiền phức hơn so với việc xuất trình bản Sổ hộ khẩu giấy đã có sẵn.

Như vậy, để việc chuyển đổi số về thông tin cư trú của người dân được thực hiện thành công thuận lợi, cơ quan nhà nước có thẩm quyền nhất thiết phải:

  1. Sửa đổi đồng bộ các quy định liên quan đến việc xuất trình Sổ hộ khẩu trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về thủ tục hành chính có quy định Sổ hộ khẩu giấy, Sổ tạm trú giấy trong thành phần hồ sơ; Hướng dẫn thống nhất về văn bản (giấy/điện tử) có giá trị pháp lý để thay thế Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú giấy;
  2. Đảm bảo tính thống nhất và chính xác tuyệt đối của các cơ sở dữ liệu điện tử; trường hợp phát hiện sai sót trong quá trình nhập liệu khi nhận được phản ánh của người dân; cơ quan nhà nước phải kịp thời có sự điều chỉnh để thống nhất và tạo điều kiện tốt nhất cho người dân trong quá trình thực hiện các công việc cần thiết; nhanh chóng hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
  3. Trang bị đồng bộ hệ thống thiết bị phục vụ cho việc tra cứu thông tin cư trú của người dân tại tất cả các cơ quan hành chính nhà nước.