Có nhiều bản di chúc, bản nào có hiệu lực theo quy định pháp luật?
Hiện nay, rất nhiều người chọn lập di chúc để tặng tài sản của mình cho người khác sau khi chết. Tuy nhiên, nếu người đó muốn thay đổi ý nguyện thì di chúc nào mới có hiệu lực pháp luật?
1. Di chúc là gì?
Di chúc được hiểu là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết.
Điều 627 Bộ luật dân sự 2015 quy định:
Di chúc phải được lập thành văn bản; nếu không thể lập được di chúc bằng văn bản thì có thể di chúc miệng.
Di chúc gồm các nội dung chủ yếu sau:
+ Ngày, tháng, năm lập di chúc;
+ Họ, tên và nơi cư trú của người lập di chúc;
+ Họ, tên người, cơ quan, tổ chức được hưởng di sản;
+ Di sản để lại và nơi có di sản.
2. Một người có được lập nhiều bản di chúc không?
Theo quy định tại Điều 640 Bộ luật Dân sự 2015, người lập di chúc có thể sửa đổi, bổ sung, thay thế, huỷ bỏ di chúc đã lập vào bất cứ lúc nào.
Ngoài ra, theo quy định tại Điều 56 Luật Công chứng 2014, khi một di chúc được công chứng, chứng thực sau đó người lập di chúc muốn sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ một phần hoặc toàn bộ di chúc thì có thể yêu cầu bất kỳ công chứng viên nào thực hiện.
Như vậy, bất cứ lúc nào, người lập di chúc cũng đều có quyền lập di chúc mới thay thế cho bản cũ. Do vậy, xảy ra nhiều trường hợp có nhiều bản di chúc.
3. Có nhiều bản di chúc, bản nào có hiệu lực?
Theo Điều 640 Bộ luật dân sự 2015 quy định người lập di chúc có thể sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ di chúc đã lập vào bất cứ lúc nào.
Do đó, nếu người được thừa kế không thực hiện đúng nghĩa vụ như: chăm sóc, nuôi dưỡng, quản lý tài sản hoặc cha mẹ không muốn tặng cho tài sản cho người con này nữa thì có quyền truất quyền thừa kế của người con này và lập di chúc khác.
Ngoài ra, tại khoản 5 Điều 643 Bộ luật dân sự 2015, khi một người để lại nhiều bản di chúc đối với một tài sản thì chỉ bản di chúc sau cùng có hiệu lực. Nghĩa là, người lập di chúc chết thì bản di chúc sau cùng mới là bản di chúc có hiệu lực và những người thừa kế phải căn cứ vào bản di chúc sau cùng này để phân chia di sản thừa kế.