Bộ luật dân sự năm 2015 thừa nhận di chúc có người làm chứng. Để di chúc có người làm chứng có giá trị pháp luật, thì phương thức lập di chúc và người viết di chúc, người làm chứng phải tuân theo quy định về các điều kiện lập di chúc.
-
- Các trường hợp di chúc yêu cầu phải có người làm chứng
Di chúc có thể được hiểu một cách khái quát nhất là phương tiện ghi nhận ý chí của cá nhân về việc định đoạt tài sản của mình sau khi chết.
Người làm chứng cho việc lập di chúc là người hỗ trợ cho người để lại di sản trong quá trình lập di chúc, là người chứng kiến cho quá trình lập di chúc, thông qua đó, họ sẽ xác nhận năng lực nhận thức của người lập di chúc và bảo đảm nội dung di chúc là ý nguyện thực của người để lại di sản thông qua việc ký tên hay điểm chỉ vào bản di chúc.
Về những loại di chúc yêu cầu phải có người làm chứng: Bên cạnh di chúc do người lập di chúc tự viết tay và ký tên là hợp pháp thì pháp luật quy định một số loại di chúc yêu cầu phải có sự hỗ trợ của người làm chứng mới được xem là hợp pháp như: Di chúc do người lập di chúc tự mình đánh máy hoặc nhờ người khác viết hộ hoặc đánh máy bản di chúc; di chúc của người bị hạn chế về thể chất hoặc của người không biết chữ và di chúc miệng. Điều kiện để các loại di chúc này phát sinh hiệu lực là phải được làm chứng bởi ít nhất hai người làm chứng đủ điều kiện theo luật định.
Như vậy, trong trường hợp người lập di chúc không thể tự mình viết bản di chúc vì không biết đọc hay người đó không biết viết hay có thể là vì lý do nào khác mà nhờ người khác viết hộ di chúc thì di chúc này buộc phải có người làm chứng theo quy định của pháp luật. Trong trường hợp này thì người lập di chúc phải đọc cho người khác viết hộ di chúc trước mặt những người làm chứng. Di chúc viết xong phải do người làm chứng đọc to cho mọi người nghe để tránh những tranh chấp về sau. được người lập di chúc thừa nhận là di chúc viết hộ ghi đầy đủ và phù hợp với ý nguyện của người để lại di sản. Người lập di chúc phải kí hoặc điểm chỉ vào bản di chúc trước mặt những người làm chứng, nếu điểm chỉ thì trong di chúc phải ghi rõ lý do không ký được. Những người làm chứng xác nhận chữ kí hoặc xác nhận điểm chỉ của người lập di chúc và kí tên vào bản di chúc với danh nghĩa người làm chứng. Thiếu một trong các điều kiện này thì bản di chúc sẽ không có hiệu lực pháp luật.
-
- Điều kiện về người làm chứng cho việc lập di chúc
Di chúc là hình thức thể hiện ý chí của chủ sở hữu về việc định đoạt tài sản của mình sau khi chết. Thời điểm di chúc phát sinh hiệu lực là người lập di chúc đã chết nên không thể xác minh được nội dung di chúc có phải là ý chí thực sự của họ và được lập khi người lập di chúc minh mẫn, sáng suốt, không bị lừa dối, đe dọa, cưỡng ép hay không. Do đó, trong một số trường hợp nhất định, để bảo đảm tính khách quan, chính xác và phản ánh đúng ý chí của người lập di chúc, pháp luật đòi hỏi phải có người làm chứng cho việc lập di chúc theo luật định. Người làm chứng là một trong những yếu tố quan trọng để di chúc có thể phát sinh hiệu lực trên thực tế, nếu người làm chứng không đáp ứng điều kiện thì sẽ dẫn đến hậu quả pháp lý là di chúc vô hiệu. Để làm chứng cho việc lập di chúc đòi hỏi người làm chứng cũng phải thỏa mãn những điều kiện cơ bản sau:
Thứ nhất, người làm chứng không phải là người thừa kế
Pháp luật loại trừ quyền làm chứng của những người thừa kế (khoản 1 Điều 632 Bộ luật Dân sự năm 2015) để bảo đảm tính khách quan của di chúc, tránh trường hợp những người này chỉnh sửa, giả mạo di chúc hoặc làm cho di chúc vô hiệu. Người thừa kế bao gồm người thừa kế theo di chúc và người thừa kế theo pháp luật.
Đối với người thừa kế theo di chúc thì việc không cho phép họ làm chứng về việc định đoạt tài sản cho chính bản thân mình là điều hoàn toàn hợp lý, vì việc làm chứng để định đoạt tài sản cho chính mình của họ không bảo đảm tính khách quan, độ tin cậy. Tuy nhiên, đối với quy định người làm chứng không phải là người thừa kế theo pháp luật thì còn chưa hợp lý vì người thừa kế theo pháp luật gồm ba hàng thừa kế là rất rộng, nhưng trong một số trường hợp khẩn cấp, việc tìm kiếm một người làm chứng rất khó khăn. Ví dụ như đối với loại di chúc miệng được lập trong tình trạng “khẩn cấp” thì rất khó để tìm người làm chứng đủ điều kiện. Thiết nghĩ, nếu pháp luật hạn chế quyền làm chứng của tất cả những người thừa kế theo pháp luật thuộc ba hàng thừa kế thì quá rộng, thông thường, người thừa kế được hưởng di sản thường dừng lại ở hàng thừa kế thứ hai, do đó, có lẽ nên xem xét cân nhắc để hàng thừa kế thứ ba được làm chứng bởi lẽ có những trường hợp người lập di chúc không thể tìm được hai người làm chứng có đủ điều kiện làm chứng cho việc lập di chúc miệng. Trong trường hợp này, người lập di chúc thường lập dưới dạng lời dặn dò những người thân trước khi chết, những người này lại không đủ điều kiện trở thành người làm chứng nên làm cho di chúc vô hiệu mặc dù họ rất khách quan, mong muốn thực hiện đúng di chỉ của người chết. Vì vậy, pháp luật nên sửa đổi là trong một số trường hợp thì người thừa kế theo pháp luật cũng có thể trở thành người làm chứng nếu có căn cứ cho rằng họ khách quan khi làm chứng cho di chúc.
Thứ hai, người làm chứng không phải là người có quyền, nghĩa vụ tài sản liên quan tới nội dung di chúc
Người có quyền và nghĩa vụ tài sản liên quan tới nội dung di chúc không được quyền làm chứng có thể là những chủ thể như người nhận thế chấp di sản; người thuê mướn di sản; con nợ, chủ nợ của người lập di chúc… nếu cho họ làm chứng có thể làm di chúc không khách quan, thay đổi nội dung di chúc theo hướng có lợi cho họ (ví dụ như nhằm trốn tránh nghĩa vụ) nên không cho phép những người này làm chứng cho việc lập di chúc là hợp lý.
Tuy nhiên, đối với trường hợp di chúc miệng thì về quy định người có quyền, nghĩa vụ tài sản liên quan tới nội dung di chúc không được làm chứng cũng cần được xem xét nghiên cứu cho phù hợp. Bởi lẽ, trong trường hợp lập di chúc miệng thì rất khan hiếm khi tìm người làm chứng, hơn nữa, có những trường hợp mà bản thân người làm chứng cũng không biết mình là người có quyền hay nghĩa vụ tài sản
Thứ ba, người làm chứng không phải là người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi
Quy định điều kiện về độ tuổi và nhận thức của người làm chứng có sự khác biệt giữa Bộ luật Dân sự năm 2005 và Bộ luật Dân sự năm 2015.
Quy định tại khoản 3 Điều 632 Bộ luật Dân sự năm 2015 có sự tiến bộ khi không cho phép “người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi” làm chứng cho việc lập di chúc. Quy định như vậy là hợp lý vì những chủ thể này có vấn đề trong nhận thức nên việc làm chứng của họ không chính xác và độ tin cậy kém. Tuy nhiên, quy định này vẫn còn thiếu trường hợp người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự và người khiếm khuyết về thể chất ảnh hưởng đến khả năng nhận thức (như mù, câm, điếc…) hay người nước ngoài không thành thạo tiếng Việt, những người không nghe, nói, đọc, viết được tiếng dân tộc của nhau thì không nên làm chứng cho một loại ngôn ngữ mà mình không thành thạo, việc hạn chế quyền làm chứng của những người đó là hợp lý vì khả năng xác nhận, kiểm tra việc lập di chúc và nội dung di chúc của họ thiếu khả thi.
Thứ tư, người làm chứng cho di chúc miệng phải là người biết đọc, biết viết
Đối với di chúc miệng thì người làm chứng có nghĩa vụ sau khi nghe di nguyện của người chết phải ghi chép lại bằng văn bản thì di chúc mới có thể hợp pháp, nên đòi hỏi người làm chứng phải biết chữ mới diễn đạt lại ý chí người lập di chúc thông qua chữ viết. Tuy nhiên, pháp luật dân sự không quy định rõ điều kiện này mà chỉ được rút ra từ việc suy luận quy định về di chúc miệng tại khoản 5 Điều 630 Bộ luật Dân sự năm 2015. Cần thêm điều kiện này là cần thiết và hợp lý vì tính chất của di chúc là chỉ có hiệu lực khi người lập di chúc chết, không thể đối chất nên đòi hỏi người làm chứng phải có khả năng xác nhận nội dung bản di chúc bằng khả năng nhận thức của mình.
Ngoài những yêu cầu trên, còn có một số điểm cần lưu ý như di chúc văn bản có người làm chứng còn phải lập theo qui định tại Điều 631 Bộ luật dân sự 2015 là di chúc phải có nội dung rõ ràng, phải có ngày, tháng năm lập di chúc, họ tên, nơi cư trú của người lập di chúc, họ tên người được hưởng di sản, di sản để lại và nơi có di sản…
Di chúc có người làm chứng rất khó nhận biết về ý chí của người để lại di sản, vì người lập di chúc không tự viết để thể hiện ý chí tự mình viết bản di chúc, mà ý chí tự nguyện của người để lại di sản phải thông qua người khác thực hiện khác biệt với di chúc không có người làm chứng.
Còn việc ký tên, điểm chỉ là dấu ấn duy nhất để xác định ý chí tự nguyện của người lập di chúc, thì di chúc này khó có thể coi là hợp pháp và như vậy di chúc khó mà thực hiện được. Trường hợp này phải do tòa án có thẩm quyền giải quyết, nếu có tranh chấp.