Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã thể chế hóa các định hướng trong Văn kiện Đại hội Đảng Khóa XIII, các nghị quyết, kết luận của Đảng, của Quốc hội, đặc biệt cụ thể hóa 03 mục tiêu tổng quát, 06 mục tiêu cụ thể, 06 nhóm giải pháp và 08 nhóm chính sách lớn tại Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương và giải quyết các vấn đề đặt ra từ thực tiễn chính sách lớn. Về cụ thể, Dự thảo Luật đã đưa ra những điểm mới nổi bật như sau:
Tại Chương I: Quy định chung
– Ngoài những thuật ngữ được kế thừa, Dự thảo Luật Đất đai đã đưa ra một số thuật ngữ, từ ngữ mới để giải thích thống nhất trong dự thảo Luật, gồm: góp vốn bằng quyền sử dụng đất, góp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất, tập trung đất nông nghiệp, tích tụ đất nông nghiệp, dồn điền, đổi thửa đất nông nghiệp, vùng phụ cận, vùng giá trị đất, giá của thửa đất chuẩn tại khác khoản 12, 13, 19, 31 và khoảng 36 đến khoảng 41 Điều 3 Dự thảo Luật;
– Về việc áp dụng pháp luật, Dự thảo đã bổ sung quy định tại Điều 4, theo đó việc quản lý và sử dụng đất đai phải thực hiện theo quy định của Luật Đất đai và các luật khác có liên quan; trường hợp có sự khác nhau giữa quy định của Luật Đất đai và luật khác thì thực hiện theo quy định của Luật Đất đai để đảm bảo sự thống nhất trong áp dụng pháp luật;
– Sửa đổi, bổ sung quy định người sử dụng đất tại khoản 1 và khoản 6, Điều 6 của Dự thảo Luật để thống nhất với quy định của Bộ Luật Dân sự, Luật tín ngưỡng, tôn giáo, Luật Đầu tư;
– Bổ sung đất chăn nuôi tập trung vào nhóm đất nông nghiệp (Khoản 1, Điều 11);
– Bổ sung các hành vi bị nghiêm cấm gồm: nhận quyền sử dụng đất tại các khu vực hạn chế theo quy định của pháp luật và không ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật đất đai để xảy ra hậu quả nghiêm trọng tại khoản 5, khoản 10, Điều 13 Dự thảo Luật.
Tại Chương II: Quyền và trách nhiệm của Nhà nước, công dân đối với đất đai
– Phân định rõ ràng, tách biệt các nội dung về Quyền và trách nhiệm của Nhà nước là đại diện Chủ sở hữu về đất đai (Mục 1); Quản lý Nhà nước về đất đai (Mục 2); Quyền và nghĩa vụ của công dân đối với đất đai (Mục 3 – được bổ sung), thể hiện rõ mối tương quan và vị trí tương đương của các chủ thể đối với đất đai.
– Bổ sung quy định về trách nhiệm của Nhà nước trong tạo điều kiện cho đồng bào dân tộc thiểu số có đất sản xuất và các chính sách hỗ trợ đất đai khác đối với đồng bào dân tộc thiểu số;
– Bổ sung, hoàn thiện nội dung quản lý nhà nước về đất đai để bảo đảm thống nhất quản lý đất đai theo lãnh thổ, quốc gia, cả về diện tích, chất lượng, giá trị kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, môi trường…
Tại Chương III: Quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất
– Quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất được đưa lên quy định tại Chương III, thay vì Chương 11 theo Luật Đất Đai năm 2013;
– Bổ sung quy định quyền của người sử dụng đất thuê trả tiền thuê đất hàng năm được thế chấp, bán tài sản thuộc sở hữu của mình gắn liền với đất và quyền thuê đất trong hợp đồng thuê đất, cho thuê lại quyền thuê đất (Điều 36); Quy định điều kiện thực hiện quyền này khi đảm bảo 2 điều kiện là: Đã hoàn thành việc xây dựng theo đúng quy hoạch xây dựng chi tiết và dự án đầu tư; Ứng trước tiền bồi thường, giải phóng mặt bằng mà chưa khấu trừ hết vào tiền thuê đất phải nộp;
– Bổ sung quyền và nghĩa vụ sử dụng đất để xây dựng công trình trên không (Điều 39);
– Bổ sung quy định việc chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại quyền sử dụng đất đối với các dự án kinh doanh bất động sản thông qua sàn giao dịch theo quy định của pháp luật về kinh doanh bất động sản (Điều 49);
Tại Chương IV: Địa giới hành chính và điều tra cơ bản về đất đai
– Sửa đổi, hoàn thiện các quy định làm rõ vị trí, vai trò của bản đồ địa chính trong quản lý đất đai và xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai (Điều 32).
Tại Chương V: Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất
– Bổ sung, hoàn thiện các quy định về việc thực hiện các quyền của người sử dụng đất trong các khu vực quy hoạch, tăng cường công khai, minh bạch, sự tham gia của người dân trong công tác lập quy hoạch sử dụng; trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong rà soát, xử lý và công bố công khai việc hủy bỏ, thu hồi đất, chuyển mục đích đối với đất đã được ghi trong kế hoạch sử dụng đất;
– Bổ sung quy định về tiếp thu, giải trình ý kiến góp ý của nhân dân trong quá trình lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất;
– Hoàn thiện quy định về xử lý chuyển tiếp theo hướng phải lập quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh theo quy định của Luật Đất đai (sửa đổi); trong quá trình lập quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh phải kế thừa nội dung phương án phân bổ và khoanh vùng đất đai trong quy hoạch tỉnh đã được phê duyệt; trường hợp quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh chưa được phê duyệt thì tiếp tục sử dụng phương án phân bổ và khoanh vùng đất đai trong quy hoạch tỉnh để thực hiện công tác quản lý đất đai (Điều 76).
Tại chương VI: Thu hồi đất, trưng dụng đất
– Quy định cụ thể các trường hợp nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế – xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng;
– Bổ sung 04 trường hợp thu hồi đất:
+ Xây dựng cơ sở khám chữa bệnh của lực lượng vũ trang nhân dân;
+ Xây dựng nhà khách của lực lượng vũ trang nhân dân;
+ Đất được giao, cho thuê không phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được công bố, công khai tại thời điểm giao đất, cho thuê đất;
+ Thu hồi đất trong trường hợp chấm dứt dự án đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư mà không thuộc trường hợp được chuyển quyền sử dụng đất, bán tài sản gắn liền với đất theo quy định;
– Quy định phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư phải được xây dựng trước khi ban hành thông báo thu hồi đất;
– Quy định đối với trường hợp thu hồi để đấu giá quyền sử dụng đất thì trong phương án bồi thường phải xác định quỹ đất bố trí tái định cư, bồi thường bằng đất trong khu vực dự án và phải thống nhất phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư với người có đất thu hồi trước khi tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất;
– Quy định cụ thể các nguyên tắc cưỡng chế thực hiện quyết định thu hồi đất (Điều 87);
Tại Chương VII: Bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất
– Bổ sung đa dạng các hình thức bồi thường về đất: bồi thường bằng đất có cùng mục đích với đất bị thu hồi hoặc bằng tiền, bằng đất khác hoặc bằng nhà ở phù hợp với nhu cầu của người có đất bị thu hồi và quỹ đất của địa phương;
– Quy định cụ thể việc lấy ý kiến người dân về phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư;
– Quy định tiêu chí về hạ tầng kỹ thuật của khu tái định cư: đường giao thông đảm bảo kết nối giao thông liên kết với khu vực lân cận, điện chiếu sáng và điện sinh hoạt, hệ thống cấp, thoát nước, thông tin liên lạc, xử lý môi trường; hạ thầng xã hội…
– Bổ sung quy định hỗ trợ cho người bị hạn chế khả năng lao động khi Nhà nước thu hồi đất từ nguồn kinh phí được trích từ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất của địa phương; đóng góp của các tổ chức, cá nhân và các nguồn khác theo quy định của pháp luật (Điều 105);
– Bổ sung, mở rộng thành phần Hội đồng bồi thường, hỗ trợ, tái định cư với sự tham gia của đại diện Hội đồng nhân dân, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp, đại diện của người sử dụng đất có đất bị thu hồi…
– Bổ sung quy định lấy ý kiến chủ sở hữu tài sản để phù hợp với trường hợp người sở hữu tài sản không đồng thời là người sử dụng đất nhằm đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho người có tài sản bị thu hồi (Điều 85);
– Quy định tách nội dung bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thành dự án riêng đồng thời với phê duyệt chủ trương đầu dự án mới.
Còn tiếp…